Nhà giáo – người lan tỏa cái mới, tốt đẹp, ấm áp của giáo dục

tuyen duong giao vien hn 2320 3245

Hiếu Nguyễn. Ảnh: Thế Đại

GD&TĐ – Nhà giáo tiên tiến không chỉ làm tốt cho mình, mà quan trọng là hỗ trợ, lan tỏa điều mình tâm đắc; lan tỏa cả cái mới, tích cực của giáo dục. Sáng 15/11, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức lễ tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu ngành GD-ĐT Hà Nội năm 2023 kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Tại đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những chia sẻ, gửi gắm đến ngành Giáo dục Hà Nội, các nhà giáo Thủ đô và cả nước. Hà Nội là nơi mà giáo dục được kỳ vọng là phải chất lượng tốt nhất Sự nghiệp giáo dục nhiệm vụ vinh quang và lớn lao những cũng đầy khó khăn, thách thức. Mỗi thầy cô giáo làm tốt phần việc của mình tức là góp phần giúp sự nghiệp giáo dục được tốt hơn. Được tôn vinh hôm nay là những người có đóng góp nhiều hơn trong sự nghiệp chung. Thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng bày tỏ lời cảm ơn, ghi nhận những công lao, đóng góp đáng quý của các thầy cô. Bộ trưởng đồng thời gửi đến Lãnh đạo Thành phố Hà Nội lời cảm ơn sâu sắc vì đã dành sự quan tâm rất đặc biệt đến giáo dục; chúc mừng Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội và ngành GD-ĐT Hà Nội bởi những kết quả to lớn đã đạt được trong thời gian vừa qua. Bộ trưởng cho biết: Với giáo dục vùng khó, thách thức là ở chỗ vượt qua cái khó. Với Hà Nội, thách thức là hướng đến chất lượng và sự phát triển. Với nhà trường, cần 3 chữ “an”: học trò an toàn, thầy cô an lòng, phụ huynh an tâm. Chúng ta, mỗi người góp sức, để những cái “an” đó lan tỏa cho xã hội, để công việc của chúng ta ngày càng tốt hơn. Không thể nói rằng, sự vươn lên phát triển và đạt được chất lượng cao là dễ dàng hơn so với vượt khó. Vượt khó có cái nghiệt ngã; phát triển vươn lên tầm cao cũng đầy nghiệt ngã. Giáo dục Hà Nội có quy mô lớn, số lượng cơ sở giáo dục lớn hàng đầu cả nước. Đây là nơi mà giáo dục được kỳ vọng là phải chất lượng tốt nhất, phải mẫu mực trong cả nước; là nơi phụ huynh có trình độ cao và đòi hỏi rất khắc nghiệt; là nơi cả nước, cả xã hội nhìn vào. Vậy nên giáo dục Hà Nội đầy thách thức. Bên cạnh đó, thuận lợi, cơ hội của giáo dục Hà Nội là nhận được nhiều sự quan tâm; là trung tâm văn hóa giáo dục cả nước, nơi tập trung hệ thống các cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia, hợp tác quốc tế và nhiều nhân tố khác… “Câu chuyện là chúng ta tận dụng được các điều kiện thuận lợi, phát huy truyền thống và có cách đi phù hợp thì sẽ đạt được kết quả tốt đẹp. Và thực tế, thời gian qua, giáo dục Thành phố Hà Nội đã không ngừng đi lên và đạt được kết quả tốt đẹp”, Bộ trưởng ghi nhận. Nền giáo dục đang hình thành giá trị mới cần củng cố hình ảnh của nhà giáo Nhắn gửi riêng đến những nhà giáo tiêu biểu được vinh danh, Bộ trưởng cho rằng, những điều thầy cô làm được là rất đáng quý và càng đáng quý hơn trong thời kỳ chúng ta thực hiện đổi mới, công việc của ngành đầy khó khăn. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến các nhà giáo Thủ đô và cả nước. Chúc các thầy cô sức khỏe, ngày càng tìm thêm được nhiều niềm vui trong nghề nghiệp và ngày càng yêu nghề, yêu đời và ngày càng được đời yêu nhiều hơn. Hiện nay, trong thực hiện Chương trình GDPT 2018, người thầy chính là tâm điểm để thúc đẩy đổi mới. Sự đổi mới của người thầy đạt được đến đâu, đó chính là giới hạn của sự đổi mới. Người thầy không vượt lên được chính mình, không đổi mới được chính mình thì không kỳ vọng đổi mới trong dạy học và các kết quả khác. Theo Bộ trưởng, mô hình người thầy “biết 10 dạy 1” đang dần chuyển sang mô hình nhà giáo mới là những người biết cách tổ chức, dẫn dắt, định hướng, tổ chức cho học trò. Đó là những người vẫn cần kiến thức nền tảng chắc chắn và uyên bác, nhưng biết cách dẫn dắt học trò không ngừng thích nghi và tích lũy kiến thức không giới hạn. “Phương pháp đổi mới, tâm thế nhà giáo cần đổi mới. Phẩm chất, năng lực học trò có được trước hết từ đổi mới nâng cao phẩm chất, năng lực của người thầy. Chúng ta đòi hỏi giáo dục tạo phẩm chất mới cho học trò, nhưng sẽ không có được nếu năng lực, phẩm chất nhà giáo không đổi mới”, Bộ trưởng chia sẻ. Nhấn mạnh từ khóa “lan tỏa”, Bộ trưởng cho rằng, những người tiên tiến chỉ thực sự tiên tiến khi không chỉ làm tốt cho mình, mà quan trọng là lan tỏa, hỗ trợ người khác, hỗ trợ đồng nghiệp, hỗ trợ ngôi trường của mình và cả những ngôi trường khác. Cần phải lan tỏa điều mình đã trải nghiệm, điều mình đã tâm đắc, điều mình đã đổi mới được; cần lan tỏa cả cái mới, tích cực và ấm áp của giáo dục. Làm sao 1,6 triệu nhà giáo phải là dòng chính trong nhận thức của xã hội về giáo dục. Một nền giáo dục đang hình thành giá trị mới cần củng cố hình ảnh của nhà giáo. Bộ trưởng cũng mong mỏi các nhà giáo với trí tuệ, tình yêu nghề, lực lượng đông đảo từng bước tự mình làm cho hình ảnh của người thầy ngày càng cao quý, càng được tôn vinh. “Không tự nhiên mà xã hội thay đổi để tôn kính chúng ta hơn. Nghề nghiệp của chúng ta không tự tôn cao hơn nếu chúng ta không tự tôn cao chính mình. Tình yêu thương không bao giờ là đủ, nghiệp vụ luôn đổi mới cần phải đi theo. Chúng ta cần phải làm một việc rất lớn là làm xã hội hiểu chúng ta hơn”. Bộ trưởng đồng thời bày tỏ mong mỏi, nhà giáo Thủ đô không chỉ là những người chuẩn mực mà còn cần phấn đấu là những người mẫu mực. Thủ đô cần dẫn dắt cả nước, nhà giáo Thủ đô cũng cần lan tỏa, dẫn dắt cho cả nước. Bộ GD&ĐT với trách nhiệm của mình đã và đang không ngừng có kiến nghị chính sách, bền bỉ thuyết phục để Đảng, Chính phủ thấu hiểu hơn và thực tế đang dần có thêm chính sách để đời sống nhà giáo được tốt hơn. Ghi nhận những thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã đạt được: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có các Quyết định khen thưởng cho các tập thể, cá nhân ngành GD-ĐT Hà Nội. Cụ thể, Chủ tịch nước có quyết định tặng thưởng Huân chương lao động cho 10 tập thể và 3 cá nhân thuộc thành phố Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ có quyết định tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 8 tập thể; tặng Bằng khen cho 23 tập thể và 16 cá nhân thuộc ngành GD-ĐT Hà Nội. UBND Thành phố có Quyết định tặng Cờ thi đua xuất sắc cho 11 phòng GD&ĐT thuộc các quận, huyện, thị xã năm học 2022-2023; Quyết định khen thưởng thành tích trong phong trào thi đua năm học 2022-2023 của Sở GD&ĐT Hà Nội. Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng có Quyết định tặng Giấy khen cho 41 cá nhân đạt Giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 7.
tuyen duong giao vien hn 2036 7311
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ.
tuyen duong giao vien hn 2148 2376
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trao Huân chương Độc Lập hạng nhì cho Trường THCS Kim Giang (Thanh Xuân).
tuyen duong giao vien hn 2278 1279
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ trao Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ cho các tập thể.
tuyen duong giao vien hn 2320 3245
Các tập thể, cá nhân xuất sắc của ngành GD-ĐT Hà Nội nhận Bằng khen của Chính phủ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *